Bụi phổi là một bệnh phổi xảy ra do một số loại bụi có trong môi trường sống. Những triệu chứng thường gặp nhất của bệnh bụi phổi là ho và khó thở.
Trong một số trường hợp, bệnh bụi phổi có diễn biến phức tạp hơn làm sức khỏe của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các hạt bụi gây ra bệnh bụi phổi thường được tìm thấy ở những nơi có môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi. Căn bệnh này có thể xuất hiện khi bạn hít phải các hạt bụi như amiang (bệnh bụi phổi amiang), silica (bụi phổi silic), bụi than hoặc nhiều loại bụi khác.
Khi các hạt bụi này xâm nhập vào đường thở hoặc túi khí trong phổi, chúng có thể gây viêm khi cơ thể cố gắng chống lại nguy cơ nhiễm trùng.
Bệnh bụi phổi là gì?
Bệnh bụi phổi là bất kỳ một bệnh lý nào xảy ra ở phổi do hít phải các loại bụi gây hại. Mỗi loại bụi khác nhau sẽ gây ra bệnh khác nhau dù triệu chứng của các loại bệnh bụi phổi thường giống nhau.
Các loại bụi có nhiều khả năng gây bệnh bao gồm:
– Bụi than: xuất hiện trong quá trình khai thác đá, than
– Sợi amiang: có trong các loại tấm lợp hoặc vật liệu cách nhiệt
– Bụi bông: có nhiều trong những nhà xưởng sản xuất dệt may
– Silica: thường có ở những xưởng đúc lấy vật liệu từ cát và đá
– Bụi kim loại berili: kim loại được dùng nhiều trong ngành công nghiệp điện tử và hàng không vũ trụ
– Bụi từ oxit nhôm, coban và hoạt thạch trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Các loại bệnh do bụi xâm nhập vào phổi thường gặp bao gồm: bệnh phổi đen (xảy ra nhiều ở những công nhân than), bệnh phổi nâu (thường gặp ở người làm việc trong xưởng dệt), bệnh bụi phổi amiang, bụi phổi silic.
Khi được hít vào, các hạt bụi sẽ lắng đọng trong phổi. Lúc này, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ sản sinh ra tế bào bao quanh hạt bụi để ngăn chặn chúng gây hại. Phản ứng này đôi khi sẽ dẫn đến tình trạng viêm hoặc hình thành các mô sẹo, được gọi là xơ hóa. Nếu viêm hoặc xơ hóa tiến triển nghiêm trọng, chúng sẽ gây ra triệu chứng bụi phổi.
Triệu chứng bụi phổi thường gặp
Bệnh có thể diễn biến âm thầm trong một thời gian dài. Nguyên nhân là vì các hạt bụi phải trải qua quá trình tích tụ hoặc mất nhiều năm để gây ra các phản ứng trong phổi. Điều này cũng có nghĩa là những triệu chứng bệnh sẽ không xuất hiện ngay sau khi có có hạt bụi xâm nhập vào phổi.
Vì thế, nếu trước đây bạn từng làm việc hoặc sống trong môi trường có nhiều bụi nhưng bây giờ đã nghỉ việc hoặc chuyển nơi sinh sống, bạn vẫn có thể mắc phải căn bệnh này.
Những triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
– Khó thở
– Nhịp thở ngắn, gấp gáp
– Ho, có khi kèm theo đờm
– Tức ngực
Những triệu chứng này có thể tương tự với cảm lạnh hoặc nhiễm trùng ngực nhưng có xu hướng kéo dài. Khi thăm khám bệnh, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bụi phổi nếu bạn đã từng có thời gian làm việc hoặc sống trong môi trường có nhiều bụi.
Khi vết sẹo trong phổi nghiêm trọng, nó sẽ ngăn cản quá trình đưa oxy vào máu. Nồng độ oxy trong máu thấp sẽ gây ra nhiều vấn đề cho các cơ quan khác trong cơ thể, điển hình nhất là tim và não.
Các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Có nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Yếu tố lớn nhất là làm những công việc tiếp xúc trực tiếp với các loại bụi gây hại cho phổi, bao gồm:
– Thợ sửa ống nước
– Công nhân xây dựng
– Thợ mỏ, khai thác khoáng sản
– Công nhân dệt may
Bên cạnh đó, yếu tố ô nhiễm môi trường, không khí có nhiều bụi mịn cũng làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh lý này và những bệnh khác liên quan đến đường hô hấp. Hút thuốc hoặc nghiện thuốc lá cũng khiến phổi dễ bị tổn thương và dễ bị bụi tấn công hơn.
Để giảm thiểu các yếu tố rủi ro, bạn hãy áp dụng những cách hạn chế bụi xâm nhập vào cơ thể, ví dụ:
– Đeo khẩu trang và quần áo bảo hộ lao động đúng quy chuẩn khi làm việc ở nơi có nhiều bụi
– Rửa tay, rửa mặt và thay đồ sau khi đi từ vùng có bụi về nhà hoặc trước khi ăn uống
– Không hút thuốc
– Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện những triệu chứng bụi phổi.
Những phương pháp chẩn đoán bệnh bụi phổi
Trên thế giới, có nhiều nơi sử dụng lao động thường xuyên cho nhân viên kiểm tra bụi trong phổi và những bệnh liên quan đến phổi bằng các hình thức như chụp X-quang ngực, kiểm tra hơi thở nếu họ thường xuyên tiếp xúc với bụi gây hại.
Khi một người có những triệu chứng của bệnh bụi phổi, bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện các bài kiểm tra thể chất và hỏi về tiền sử bệnh. Sau đó, họ có thể trải qua một cuộc kiểm tra chi tiết hơn với một bác sĩ khoa hô hấp.
Kỹ thuật chụp X-quang hoặc CT ngực có thể hiển thị tình trạng viêm, thừa chất lỏng hoặc sẹo trong phổi. Bên cạnh đó, bạn có thể phải thực hiện những xét nghiệm liên quan để kiểm tra hàm lượng oxy trong máu hoặc làm sinh thiết để loại trừ những bệnh lý khác.
Những điều cần lưu ý khi đã mắc bệnh bụi phổi
Nếu không được phát hiện và kiểm soát, những bệnh do bụi gây ra trong phổi sẽ kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng làm giảm sút chất lượng cuộc sống. Những năm gần đây, bụi mịn và chất lượng không khí cũng là yếu tố góp phần làm tăng số ca mắc bệnh bụi phổi.
Trang Medical News Today cho biết, hiện tại không có cách điều trị bệnh. Vì thế, quá trình chữa bệnh chỉ nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Nếu bạn đang mắc một trong những căn bệnh phổi do bụi gây ra, điều quan trọng là bạn phải chăm sóc tim và phổi bằng cách duy trì cân nặng phù hợp, bỏ hút thuốc, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên. Nếu cần thiết, bạn hãy tham gia các chương trình phục hồi chức năng của phổi.
Tiêm phòng cúm hằng năm, sử dụng ống hít và liệu pháp oxy cũng sẽ giúp phổi của bạn khỏe mạnh và hoạt động tốt nhất có thể. Ngoài ra, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn quản lý bệnh tốt hơn. Điều này cũng sẽ giúp bạn phát hiện sớm những tiến triển mới của bệnh bụi phổi để can thiệp kịp thời.
Trương Phương Đài / HELLO BACSI
Nhận xét
Đăng nhận xét