Bệnh tiểu không tự chủ: Nguyên nhân, cách điều trị

 Tiểu không tự chủ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Trần Thanh Hùng - Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Bệnh tiểu không tự chủ khi bị áp lực là một dạng thường gặp của tiểu không tự chủ. Bệnh thường rất khó nói và hay xảy ra ở phụ nữ, gây ra khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Vậy tiểu không tự chủ khi bị áp lực là bệnh gì? Nguyên nhân và cách chữa trị như thế nào?

1. Tiểu không tự chủ khi bị áp lực là bệnh gì?

Tiểu không tự chủ khi bị áp lực (SUI - Stress Urinary Incontinence) là tình trạng rò rỉ nước tiểu một cách không kiểm soát mỗi khi gắng sức. Triệu chứng đi tiểu không tự chủ thường biểu hiện mỗi hoạt động thể chất, chẳng hạn như tập thể dục, hoặc khi ho, cười, hắt hơi (có áp lực lên ổ bụng). Đây là bệnh lý phổ biến ở phụ nữ.

Tình trạng này còn có một số tên gọi khác như són tiểu do tăng áp lực trong bụng, tiểu són áp lực, tiểu không kiểm soát khi gắng sức.

2. Nguyên nhân tiểu không tự chủ khi bị áp lực

Nguyên nhân tiểu không tự chủ do bị áp lực thường bắt nguồn từ rối loạn ở sàn chậu. Những rối loạn này xảy ra khi các mô và cơ hỗ trợ niệu đạo, bàng quang, tử cung hoặc trực tràng bị tổn thương. Bệnh nhân thường bị suy yếu tại cơ vòng, nơi kiểm soát niệu đạo. Nguyên nhân có thể xảy ra từ khi mang thai, sinh con hoặc tác động của sự lão hóa.

trĩ bầu
Phụ nữ mang thai nhiều khiến sàn chậu bị suy yếu, khả năng kiềm chế nước tiểu không còn được hoàn hảo

3. Chữa bệnh tiểu không tự chủ khi gắng sức không phẫu thuật

Để chữa bệnh đi tiểu không tự chủ do áp lực, biện pháp thay đổi lối sống được áp dụng trước tiên. Chẳng hạn, những cách sau đây giúp giảm số lần bị són tiểu, bao gồm:

  • Điều chỉnh lượng nước uống hợp lý
  • Hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích. Ví dụ: Cà phê và các chất có chứa cafein...
  • Ngừng hút thuốc
  • Giảm cân.

Các lựa chọn không phẫu thuật khác có thể kể đến như

  • Các bài tập cơ xương chậu (bài tập Kegel)
  • Vật lý trị liệu
  • Liệu pháp phản hồi sinh học (Biofeedback)
  • Sử dụng vòng nâng
  • Sử dụng tampon.

Lưu ý: Việc áp dụng các biện pháp không phẫu thuật chỉ là bổ trợ thêm hoặc ngăn ngừa, không có tính quyết định cho biện pháp điều trị chính thức, mọi biện pháp được áp dụng chỉ nên được quyết định bởi bác sỹ chuyên khoa.

4. Phẫu thuật điều trị tiểu không tự chủ

Có nhiều phương pháp, nhưng hiện nay phương pháp điều trị mới nhất, hiện đại nhất, hiệu quả tối ưu nhất cho bệnh lý tiểu không kiểm soát khi gắng sức đó chính là phẫu thuật theo phương pháp T.O.T.

Phương pháp T.O.T (Trans Obturateur Tape: Đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo qua lỗ bịt) là một phẫu thuật nhẹ nhàng, ít xâm hại và hiệu quả cao. Phẫu thuật viên sẽ tạo 1 đường mổ nhỏ ở thành trước âm đạo, sau đó đặt dải băng tổng hợp đỡ phần niệu đạo sau nhằm tạo ra một điểm tựa chắc chắn thay thế cho phần cơ sàn chậu đã nhão yếu. Khi người bệnh gắng sức, áp lực ổ bụng tăng lên, dồn xuống tiểu khung sẽ ép niệu đạo vào vùng đã đặt dải băng làm bít tắc lòng niệu đạo, qua đó chặn lại dòng tiểu són ra. Phẫu thuật kéo dài khoảng 20 - 30 phút, sau phẫu thuật, bệnh nhân hết són tiểu ngay.

Tại Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa Vinmec Hạ Long là bệnh viện đầu tiên áp dụngphương pháp nâng sa bàng quang qua ngả âm đạo bằng lưới TOT - giúp bệnh nhân không đau, thời gian nằm viện ngắn, phục hồi tốt. Bệnh nhân sau 5 ngày đã có thể đi lại được bình thường và xuất viện.


T.O.T: Đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo qua 2 lỗ bịt.
T.O.T - Đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo qua 2 lỗ bịt

5. Những yếu tố cân nhắc khi lựa chọn phẫu thuật

Khi quyết định phương pháp phẫu thuật để chữa trị tiểu không tự chủ, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn loại phẫu thuật phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố sau đây:

  • Mức độ ảnh hưởng của bệnh đến chất lượng cuộc sống người bệnh
  • Tuổi tác
  • Kế hoạch sinh con trong tương lai
  • Lối sống hiện tại
  • Bệnh lý vùng sàn chậu - tiểu khung kết hợp
  • Tiền sử bệnh (nếu bạn đã thực hiện xạ trị ung thư ở vùng chậu hoặc đã từng phẫu thuật điều trị tiểu không tự chủ)
  • Tình hình sức khỏe tổng quát
  • Nguyên nhân tiểu không tự chủ.

Bạn hãy luôn yên tâm là trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ cân nhắc lợi ích đạt được và các rủi ro của từng lựa chọn điều trị để đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống cho bạn.

Bệnh tiểu không tự chủ rất thường gặp, nhất là đối với phụ nữ gây nên cảm giác vô cùng khó chịu và xấu hổ không dám nói, bệnh có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, đây là bệnh lý đã có thể khắc phục được triệt để. Để tránh phiền toái không đáng có này, bạn hãy mạnh dạn trực tiếp trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về các triệu chứng đi tiểu không tự chủ (són tiểu) mà mình đang gặp để có biện pháp chữa trị phù hợp và đạt hiệu quả tối ưu nhất, loại bỏ hoàn toàn bất tiện này.

Nguồn: Vinmec

Nhận xét