Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Hẹp niệu đạo là một bệnh lý niệu khoa thường gặp, bệnh biểu hiện sau một viêm nhiễm hay sau một chấn thương hệ niệu. Bệnh lý hẹp niệu đạo ảnh hưởng đến cảm giác và chất lượng cuộc yêu, khiến quý ông không còn mặn mà "chuyện ấy", dễ dẫn đến liệt dương, xuất tinh sớm, vô sinh.
1. Bệnh hẹp niệu đạo là gì?
Trong cơ thể người bình thường, thường có hai trái thận, đảm nhận chức năng lọc máu và bài tiết nước tiểu. Sau đó nước tiểu chảy theo hai niệu quản đổ vào bàng quang. Khi bàng quang co bóp sẽ tống xuất nước tiểu ra ngoài qua ngã niệu đạo. Niệu đạo nam dài hơn niệu đạo nữ do chạy thêm một đoạn dưới vùng đáy chậu và dương vật, nên dễ bị tổn thương hơn.
Hẹp niệu đạo là tình trạng niệu đạo bị hẹp lại do viêm hoặc bất kỳ một vấn đề nào khác. Niệu đạo có vai trò dẫn nước tiểu từ trong cơ thể ra ngoài. Ở người bị hẹp niệu đạo, dòng nước tiểu thường yếu hoặc dòng chảy đôi có thể xảy ra. Bệnh hẹp niệu đạo nặng có thể ngăn chặn hoàn toàn dòng nước tiểu.
Bệnh hẹp niệu đạo gây ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người bệnh, gây cảm giác khó tiểu - bí tiểu, ứ nước - viêm bàng quang, thậm chí gây suy thận, vô sinh nếu điều trị không đúng cách, bệnh kéo dài.
2. Hẹp niệu đạo xảy ra khi nào?
- Hẹp niệu đạo thường là hậu quả sau đợt viêm nhiễm niệu đạo.
- Do vi khuẩn lậu cầu trú ẩn và gây bệnh, lâu ngày gây xơ sẹo làm chít hẹp niệu đạo nhiều chỗ;
- Do nhiễm khuẩn bao quy đầu thường xảy ra sự lây chéo sau giao hợp, làm chít hẹp và có thể lan tới tiền liệt tuyến và niệu đạo hành;
- Do bệnh lý toàn thân tổn thương của lao thận, lao bàng quang rồi lan đến lao niệu đạo. Hẹp niệu đạo còn do di chứng của chấn thương niệu đạo; sau những thủ thuật lấy sỏi niệu đạo làm tổn thương niêm mạc niệu đạo, sau mổ cắt u xơ tiền liệt tuyến.
3. Biểu hiện của hẹp niệu đạo
Các triệu chứng của bệnh hẹp niệu đạo ở nam giới có thể dao động từ khó chịu nhẹ và đến bí tiểu, bao gồm những triệu chứng sau đây:
- Khó khăn khi bắt đầu đi tiểu;
- Đau khi đi tiểu (tiểu khó);
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI);
- Bí tiểu;
- Bàng quang không hoàn toàn rỗng;
- Dòng chảy yếu;
- Tiểu nhỏ giọt;
- Phun nước tiểu hoặc dòng đôi;
- Máu trong nước tiểu (tiểu máu);
- Máu trong tinh dịch;
- Tiểu không tự chủ;
- Đau vùng chậu;
- Giảm lực xuất tinh.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác của bệnh hẹp niệu đạo không được đề cập.
4. Diễn biến và biến chứng của hẹp niệu đạo
Sau khi bị hẹp niệu đạo, bạn vẫn chịu đựng, cố gắng đi tiểu theo đường tự nhiên trong một thời gian, tùy theo mức độ tổn thương, tiến triển đến hẹp hoàn toàn. Sự chịu đựng, cố gắng tiểu tự nhiên dần dần đưa đến biến chứng. Ứ đọng nước tiểu bàng quang gây nhiễm khuẩn ngược dòng lên niệu quản, thận. Do ứ trệ lâu ngày không có lối thoát, gây rò rỉ ra da tại vị trí tầng sinh môn hay vùng da bìu và ứ đọng kèm nhiễm khuẩn tạo thành ổ áp xe hình tổ ong, gây hình thành túi thừa bàng quang và lâu dài biến chứng suy thận.
5. Cách điều trị hẹp niệu đạo ở nam giới
Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể nong rộng niệu đạo, cắt đoạn hẹp bằng laser hay dao cắt nội soi, đặt stent, phẫu thuật tạo hình cắt nối dùng vạt da hoặc mảnh ghép.
5.1. Nong niệu đạo
Thường được thực hiện ở phòng khám. Sau khi gây tê tại chỗ, bác sĩ sẽ sử dụng các que nong với kích thước tăng dần để làm rộng niệu đạo. Ngoài ra, đoạn hẹp niệu đạo cũng có thể được nong bằng một trái bóng đặc biệt trên ống thông. Nong niệu đạo thường không giải quyết triệt bệnh lý này để nên phải được thực hiện lặp đi lặp lại. Thủ thuật có thể gây đau, chảy máu, nhiễm trùng.
5.2. Xẻ niệu đạo (cắt đoạn hẹp)
Thủ thuật này sử dụng một ống soi được thiết kế đặc biệt để đưa vào niệu đạo cho đến khi gặp đoạn hẹp. Sau đó, người ta dùng một lưỡi dao hoặc sợi laser ở đầu ống soi để cắt đoạn hẹp. Một ống thông được đặt vào niệu đạo trong một khoảng thời gian cho đến khi vết thương lành. Thời điểm rút ống thông sau khi phẫu thuật phụ thuộc vào tình trạng đáp ứng của bệnh nhân.
5.3. Đặt stent niệu đạo
Thủ thuật này đặt một stent kim loại vào niệu đạo bằng cách sử dụng một ống soi được thiết kế đặc biệt. Ưu điểm của phương pháp này là xâm lấn tối thiểu, tuy nhiên chỉ phù hợp với rất ít trường hợp.
5.4. Tạo hình niệu đạo
Nhiều phẫu thuật khác nhau được sử dụng để tạo hình niệu đạo. Không có một phẫu thuật nào là thích hợp cho tất cả các tình huống mà phụ thuộc vào đặc điểm của đoạn hẹp và kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật. Với đoạn hẹp ngắn có thể phẫu thuật cắt nối 2 đầu (urethroplasty anastomotic). Khi đoạn hẹp dài hoặc không thể cắt nối, một tổ chức mô có thể được chuyển đến để mở rộng đoạn hẹp (phẫu thuật dùng mô thay thế).
Để phòng ngừa hẹp niệu đạo ở nam giới, các bác sĩ cho rằng điều quan trọng nhất là phòng tránh tổn thương niệu đạo và xương chậu. Nếu bạn tự thông tiểu thì nên dùng chất bôi trơn và sử dụng ống thông nhỏ nhất để tránh làm tổn thương niệu đạo.
Hẹp niệu đạo có thể biến chứng nếu bạn bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu và chlamydia. Khi đó, việc điều trị bệnh kịp thời và đầy đủ với kháng sinh sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng này.
Nhận xét
Đăng nhận xét