Hẹp niệu đạo là gì?
Niệu đạo là một phần quan trọng của đường tiết niệu, đảm nhận nhiệm vụ chính là đưa nước tiểu ra ngoài cơ thể ở cả 2 giới. Riêng với nam giới, niệu đạo có vai trò quan trọng trong việc xuất tinh từ đường sinh dục.
Niệu đạo giống như một "vòi nước". Khi một đoạn nào đó của ống bị hẹp, dù ngắn hay dài, dòng chảy sẽ bị giảm đáng kể. Niệu đạo hẹp nhiều làm giảm lưu lượng dòng nước tiểu, bệnh nhân sẽ đi tiểu thường xuyên, tiểu khó, dòng tiểu nhỏ.
Bệnh hẹp niệu đạo ở nam giới thường gặp hơn ở nữ do niệu đạo nam dài hơn nên dễ bị tổn thương và nhiễm bệnh hơn. Tình trạng này nếu kéo dài không điều trị có thể gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt và viêm mào tinh hoàn. Nếu tắc nghẽn trong thời gian dài có thể gây suy thận. Bệnh cũng ảnh hưởng chất lượng hoạt động tình dục, đặc biệt ở nam giới, khiến quý ông không còn mặn mà "chuyện ấy". Đây là một trong những nguyên nhân gây liệt dương, xuất tinh sớm, thậm chí vô sinh.
Hẹp niệu đạo là một bệnh lý niệu khoa thường gặp, bệnh biểu hiện sau một viêm nhiễm hay sau một chấn thương hệ niệu. Cần hiểu rõ căn nguyên bệnh để có hướng xử trí kịp thời nhằm tránh những biến chứng.
Nguyên nhân bệnh Hẹp niệu đạo
Nguyên nhân gây hẹp niệu đạo là gì?
Sau đây là những nguyên nhân phổ biến gây ra hẹp niệu đạo :
Hẹo niệu đạo do chấn thương:
Ở niệu đạo hoặc bàng quang (ví dụ, rơi vào khung của một chiếc xe đạp giữa hai chân hoặc tai nạn xe cộ...)
Chấn thương vùng chậu
Hẹp niệu đạo do phẫu thuật/ thủ thuật:
Đã từng thực hiện thủ thuật liên quan tới niệu đạo (ống thông niệu, phẫu thuật, nội soi bàng quang)
Phẫu thuật tuyến tiền liệt trước
Hẹp niệu đạo do ung thư đường tiết niệu (hiếm)
Hẹp niệu đạo do nhiễm trùng:
Đường tiết niệu (bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu hay giang mai, viêm niệu đạo...)
Nhiễm trùng hoặc Viêm tuyến tiền liệt
Hẹp niệu đạo ở trẻ em
Thường gặp sau phẫu thuật tạo hình do dị tật bẩm sinh của niệu đạo hoặc hẹp niệu đạo bẩm sinh
Có trường hợp không xác định được nguyên nhân
Triệu chứng bệnh Hẹp niệu đạo
Các triệu chứng hẹp niệu đạo có thể dao động từ khó chịu nhẹ và đến bí tiểu, bao gồm những triệu chứng sau đây:
Tiểu khó, tiểu đau, tiểu nhắt
tia nước tiểu yếu và nhỏ giọt
Máu trong nước tiểu, máu trong tinh dịch
Bí tiểu
Tiểu không tự chủ
Giảm lực xuất tinh
Đau vùng chậu
Căng chướng bàng quang
Sau khi bị hẹp niệu đạo , người bệnh vẫn chịu đựng, cố gắng đi tiểu theo đường tự nhiên trong một thời gian, tùy theo mức độ tổn thương, tiến triển đến hẹp hoàn toàn. Sự chịu đựng, cố gắng tiểu tự nhiên dần dần đưa đến biến chứng.
Biến chứng của hẹp niệu đạo bao gồm:
Ứ đọng nước tiểu bàng quang gây nhiễm khuẩn ngược dòng lên niệu quản, thận.
Ứ trệ lâu ngày không có lối thoát gây rò rỉ ra da tại vị trí tầng sinh môn hay vùng da bìu dẫn đến nhiễm khuẩn tạo thành ổ áp xe, hình thành túi thừa bàng quang và về lâu dài đưa đến suy thận.
Xuất tinh sớm, liệt dương, vô sinh
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Đối tượng nguy cơ bệnh Hẹp niệu đạo
Hẹp niệu đạo có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào. Bệnh thường xảy ra ở nam giới. Hẹp niệu đạo nữ là bệnh hiếm gặp.
Một số trường hợp đặc biệt có nguy cơ cao phát triển hẹp niệu đạo bao gồm:
Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, giang mai...)
Đặt ống thông tiểu
Viêm niệu đạo
Tuyến tiền liệt lớn
Đã từng can thiệp phẫu thuật/ thủ thuật can thiệp trên đường tiết niệu
Phòng ngừa bệnh Hẹp niệu đạo
Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh:
Đảm bảo các biện pháp bảo hộ khi chơi các môn thể thao nguy hiểm.
Duy trì lối sống lành mạnh, quan hệ tình dục an toàn
Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hẹp niệu đạo
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ cần khám lâm sàng, chụp hình niệu đạo bằng X-quang hoặc siêu âm, soi niệu đạo.
Thăm khám niệu đạo, phát hiện tổn thương như chít hẹp bao quy đầu, phát hiện những đoạn, cục xơ cứng niệu đạo khi nắn niệu đạo từ đầu đến gốc dương vật. Khi đặt ống sonde tiểu thì ống không qua được niệu đạo.
Các biện pháp điều trị bệnh Hẹp niệu đạo
Dựa vào kết quả thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp bao gồm: nong niệu đạo, xẻ niệu đạo, đặt stent, phẫu thuật tạo hình cắt nối dùng vạt da hoặc mảnh ghép.
Nong niệu đạo: Thường được thực hiện ở phòng khám. Sau khi gây tê tại chỗ, bác sĩ sẽ sử dụng các que nong hoặc bóng trên ống thông với kích thước tăng dần để làm rộng niệu đạo.. Nong niệu đạo thường không giải quyết triệt để bệnh lý này để nên phải được thực hiện lặp đi lặp lại.
Thủ thuật này có thể gây đau, chảy máu, nhiễm trùng.
Xẻ niệu đạo (cắt đoạn hẹp): Thủ thuật này sử dụng một ống soi được thiết kế đặc biệt để đưa vào niệu đạo cho đến khi gặp đoạn hẹp. Tiếp theo, bác sĩ cắt đoạn hẹp bằng lưỡi dao hoặc laser ở đầu ống soi. Sau đó, một ống thông được đặt vào niệu đạo trong một khoảng thời gian cho đến khi vết thương lành. Thời điểm rút ống thông sau khi phẫu thuật phụ thuộc vào tình trạng đáp ứng của bệnh nhân.
Đặt stent niệu đạo: Thủ thuật này đặt một stent kim loại vào niệu đạo bằng cách sử dụng một ống soi. Ưu điểm của phương pháp này là xâm lấn tối thiểu, tuy nhiên chỉ phù hợp với rất ít trường hợp
Phẫu thuật tạo hình niệu đạo: phẫu thuật phụ thuộc vào đặc điểm của đoạn hẹp và kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật. Với đoạn hẹp ngắn có thể phẫu thuật cắt nối 2 đầu. Khi đoạn hẹp dài hoặc không thể cắt nối, bác sĩ sẽ sử dụng một tổ chức mô như vạt da hoặc mảnh ghép để mở rộng đoạn hẹp
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Nguồn: Vinmec
Nhận xét
Đăng nhận xét